Quy định về PCCC đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà

Điện mặt trời mái nhà được khuyến khích phát triển cho mô hình tự dùng, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng xanh hóa, nhưng thủ tục về PCCC vẫn là nỗi lo sợ với các doanh nghiệp.

Tại Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia) được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện hóa mục tiêu giảm phát thải ròng.

Quy hoạch điện VIII, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng
Quy hoạch điện VIII, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng

Tuy nhiên hiện tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn lo ngại thủ tục hoàn thiện thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà xưởng, văn phòng hoặc trong khu công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, quy định PCCC theo tiêu chí mới đã có, nhưng mỗi tỉnh, thành lại có cách hiểu, cách thực hiện khác nhau nên rất khó cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp may mặc cho rằng, nhà máy đã xây dựng từ thời gian trước, hệ thống phòng cháy chưa cháy đã được thiết kế và nghiệm thu trước đó. Nhưng nếu bây giờ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà lại có yêu cầu thẩm duyệt toàn bộ nhà máy. Điều này đồng nghĩa với việc phải lắp đặt lại toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy, mới được thẩm duyệt nghiệm thu hệ thống lắp đặt điện mái nhà, gây phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Trả lời về quy định thực hiện thủ tục PCCC với hệ thống điện mặt trời mái nhà, ông Trần Hải Nam – Phó trưởng phòng Thẩm định phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết: Ngày 06/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tiếp đó ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 31/8/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Trên cơ sở các quy định nêu trên, trong giai đoạn cuối năm 2020 và năm 2021 nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, đặc biệt là đối với các công trình nhà xưởng trong khu công nghiệp.

Ông Trần Hải Nam - Phó trưởng phòng Thẩm định phòng cháy chữa cháy (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH) tham gia chia sẻ về một số thắc mắc liên quan đến quy định PCCC tại Tọa đàm: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 17/5/2023.
Ông Trần Hải Nam – Phó trưởng phòng Thẩm định phòng cháy chữa cháy (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH) tham gia chia sẻ về một số thắc mắc liên quan đến quy định PCCC tại Tọa đàm: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 17/5/2023.

Vậy với quy chuẩn về thẩm duyệt PCCC cho mô hình này sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 (trước đây là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP), thì hệ thống điện mặt trời mái nhà không thuộc danh mục đối tượng quản lý về PCCC, không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên, do việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà làm ảnh hưởng đến các giải pháp về ngăn cháy, chống cháy lan, ảnh hưởng đến lối ra mái của công trình nên theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 (trước đây tại Điều 15 và Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014), các công trình thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC khi lắp đặt bổ sung hệ thống điện mặt trời mái nhà phải lập hồ sơ và đề nghị cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 9 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, có quy định “Tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành”.

“Trên cơ sở các nội dung trên, ngày 08/9/2020, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an đã có Công văn số 3288/C07-P4 hướng dẫn Công an các địa phương về nội dung thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Trước tiên, cần phải làm rõ hệ thống điện mặt trời mái nhà không phải là đối tượng thẩm duyệt, không phải là đối tượng để quản lý về PCCC mà đối tượng cần bảo đảm các yêu cầu về PCCC là các nhà, công trình có bố trí hệ thống này”, ông Trần Hải Nam nhấn mạnh.

Thực tế tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã có nhiều vụ cháy hệ thống điện mặt trời mái nhà, dẫn đến cháy lan, gây thiệt hại cho công trình bên dưới. Do đó, chủ đầu tư/chủ sở hữu các công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ngoài trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC cho công trình, đồng thời phải có trách nhiệm về các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC cho hệ thống điện mặt trời.

Việc xác định đối tượng thẩm duyệt đã được quy định rõ tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP phụ thuộc vào loại hình và quy mô của nhà. Đối với các hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà thuộc diện thẩm duyệt thì chủ đầu tư/chủ sở hữu công trình phải lập hồ sơ đề nghị thẩm duyệt và gửi đến cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH để được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Đối với các nhà, công trình không thuộc diện thẩm duyệt thì không yêu cầu thẩm duyệt điều chỉnh, bổ sung khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái, tuy nhiên việc lắp đặt vẫn phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu an toàn cháy theo quy định; đồng thời việc lắp đặt bổ sung này cần thông tin cho cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp quản lý cơ sở để được hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC theo quy định.

Các nội dung về bảo đảm an toàn PCCC cho hệ thống điện mặt trời mái nhà đều gắn với các yêu cầu về PCCC chung của nhà và công trình như: Một là; Giải pháp về bố trí lối ra mái: yêu cầu bố trí các tấm pin, thiết bị của hệ thống điện mặt trời trên mái không cản trở, ảnh hưởng các lối tiếp cận lên mái của công trình.

Hai là về kết cấu mái: việc bảo đảm khả năng chịu tải trọng của mái khi lắp đặt các tấm pin do cơ quan về xây dựng kiểm tra, chấp thuận. Về an toàn cháy, khi tính toán, thiết kế phải bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ.

Ba là về giải pháp ngăn cháy: Cần bố trí các tấm pin tạo khoảng cách với nhau (kích thước nhóm không quá 40 m x 40 m), tạo khoảng cách với các thiết bị kỹ thuật trên mái (tham khảo quy chuẩn Fire code 2018 của Singapore)

Bốn là, trang bị hệ thống PCCC: không yêu cầu bổ sung hệ thống PCCC trên mái nhà, chỉ yêu cầu tại các gian phòng trong nhà có bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời. Các yêu cầu lấy tương ứng với yêu cầu về trang bị phương tiện PCCC của nhà.

“Như vậy quy định PCCC đã rõ ràng cho mô hình điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, áp dụng từ cuối năm 2020 theo tiêu chuẩn mới. Việc xác định đối tượng thẩm duyệt đã được quy định rõ tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP phụ thuộc vào loại hình và quy mô của nhà. Đối với công trình không thuộc diện thẩm duyệt thì không yêu cầu thẩm duyệt điều chỉnh, bổ sung khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái”- ông Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Thẩm định Phòng cháy chữa cháy (Cục PCCC& CNCH) chia sẻ.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Báo giá
close slider

    NHẬN BÁO GIÁ NGAY