Ngày 25/8, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức hội thảo: “Năng lượng tái tạo: Xu thế tất yếu và giải pháp thúc đẩy phát triển trong tương lai”.
Theo nhận định các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo (NLTT) với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày, trên 120.000 trạm thủy điện có tổng công suất ước tính đạt khoảng 300MW… Việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, cũng như an ninh năng lượng.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng quốc gia trong bối cảnh và điều kiện mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu “Tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030; 25 – 30% vào năm 2045”. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
Với các chính sách hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển các nguồn NLTT, có thể thấy với mức công suất không đáng kể từ năm 2018, đến nay nguồn NLTT có tổng công suất khoảng 30% trong tổng công suất của hệ thống điện quốc gia là một bước phát triển vượt bậc.
Ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương nhìn nhận: Hiện nay, những quy định về NLTT chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, cũng như chưa giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này.
Vì vậy, với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của NLTT, khung pháp lý điều chỉnh các dự án này cũng cần thiết phải hoàn thiện đầy đủ và nhanh chóng hơn để thuận lợi hóa cho quá trình triển khai của doanh nghiệp, hạn chế những rủi ro, thiệt hại phát sinh.
Cụ thể, trong thời gian tới cần sửa Luật Điện lực, xây dựng luật về NLTT theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; giải quyết việc giải phóng NLTT của các nhà đầu tư; cho phép cơ chế mua bán điện trực tiếp, đặc biệt là dự án điện mặt trời. Vấn đề này, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất muốn mua điện mặt trời trực tiếp từ các nhà sản xuất điện mặt trời để họ có được tín chỉ cacbon…
Ông Nguyễn Văn Yên– Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khu vực phía Nam kiến nghị: Đầu tư các dự án NLTT có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu. Ngoài ra, các dự án NLTT khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống.
Vì thế, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Vì vậy, để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư, các cơ quan quản lý cần đưa ra những chính sách, thủ tục pháp lý rõ ràng, cũng như các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định, lâu dài,…