Giá điện tái tạo chuyển tiếp bao nhiêu là hợp lý?

Theo Quyết định 21/2023 của Bộ Công thương về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, mức giá trần đối với nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp khoảng 1.185 – 1.508 đồng/kWh và điện gió từ 1.587 – 1.816 đồng/kWh.

Khung giá này sẽ được áp dụng cho 85 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, không kịp hưởng giá FIT cũ.

Bộ nói phù hợp

Ngay sau khi Quyết định 21 được ban hành, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng khung giá điện tái tạo chuyển tiếp phần nào gây “hụt hẫng” cho các nhà đầu tư bởi thấp hơn 21-29% so với cơ chế giá FIT2.Về vấn đề này, Bộ Công thương trong một giải thích mới đây khẳng định khung giá phát điện các dự án chuyển tiếp do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trình và đã “xem xét mức giảm suất đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn 2018 – 2020” và căn cứ số liệu tại báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế.

Giá điện tái tạo chuyển tiếp bao nhiêu là hợp lý ? - Ảnh 1.
Đã có 79/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp nộp hồ sơ đàm phán, bán điện.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm định, Bộ Công thương đã thực hiện lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và họp Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá. Từ đó, Bộ này khẳng định khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp được ban hành tại Quyết định số 21 là đúng phương pháp, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc Công ty CP Vinasol chuyên cung cấp, thi công, phát triển dự án năng lượng mặt trời – nhận xét: Khung giá mới tương đối hợp lý, bởi hiện tại giá các loại thiết bị để đầu tư làm điện gió, điện mặt trời đã giảm so với cuối năm 2020, ví dụ như giá đầu vào của tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm sâu hơn 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Hơn nữa, hiệu suất phát điện cũng đã tốt hơn so với trước đây.

Nhu cầu sử dụng điện luôn cao, nhưng sân chơi này cũng cần công bằng với nhiều nhà đầu tư và nên ưu tiên đơn vị có năng lực. Chính sách cũng khác trước bởi không còn ưu đãi mới thu hút đầu tư mà cần sân chơi bình đẳng, sòng phẳng hơn.


Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Vinasol

Theo ông Việt, thời gian hoàn vốn của các nhà máy năng lượng mặt trời sẽ phụ thuộc vào hình thức đầu tư như thế nào. Chẳng hạn, trước năm 2020, đầu tư điện mặt trời nếu dư sẽ phát lên lưới bán vào hệ thống điện quốc gia. Sau năm 2020, làm điện mặt trời xài dư không bán được nên phải tính toán kỹ hơn, sao cho vừa đủ để tự sử dụng, thời gian hoàn vốn nay rơi vào tầm 4-5 năm. Hình thức thứ hai là đầu tư làm điện mặt trời, thêm pin lưu trữ, chi phí có thể cao lên đến 25-30 triệu đồng/kW, thời gian hoàn vốn tầm 7 năm, nhưng đổi lại doanh nghiệp làm điện mặt trời có pin lưu trữ sẽ được sử dụng điện mặt trời vào ban ngày, ban đêm và không lo mất điện lưới, không cần mua máy phát điện dự phòng… Hình thức đầu tư này cũng đang được nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất áp dụng, chi phí cao nhất khoảng 25 triệu đồng/kW.

Dù vậy ông Việt cũng nhấn mạnh: “Nhu cầu sử dụng điện luôn cao, nhưng sân chơi này cũng cần công bằng với nhiều nhà đầu tư và nên ưu tiên đơn vị có năng lực. Chính sách cũng khác trước bởi không còn ưu đãi mới thu hút đầu tư mà cần sân chơi bình đẳng, sòng phẳng hơn”.

Người bán chê giá mua thấp

Ngược lại, các nhà đầu tư lại “chê” khung giá mới quá thấp. Dù dự án hoàn tất bị trễ so với kế hoạch, đa số do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng giá đầu tư, huy động vốn, mua thiết bị đều trước năm 2020, nên các dự án chuyển tiếp vẫn chịu mức đầu tư cao hơn so với hiện tại. “Giá mua điện tái tạo chuyển tiếp giảm rất nhiều so với thực tế chứ không phải như kỳ vọng của nhà đầu tư. Các chi phí bỏ ra để xin phép, đền bù giải tỏa, bảo dưỡng nhà máy… trong mấy năm liền là vô cùng lớn. Đã có những nhà đầu tư không gồng nổi vì chờ giá từ Bộ Công thương ban hành quá lâu, đã phá sản, bỏ cuộc. Thế nên không thể gọi đây là mức giá hỗ trợ mà là “ép” nhà đầu tư, bởi giá điện tái tạo nhập khẩu hiện cao hơn giá mua trong nước. Nhà đầu tư từng kiến nghị cho bán lại mức 90% giá điện nhập khẩu nhưng không được đồng ý”, một chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời tại Đắk Nông nói.

Cơ chế giá cần được xây dựng tính về lâu dài, hạn chế tối đa độ rủi ro cho nhà đầu tư và cho chính ngành điện. Việc lấy ý kiến, sửa đổi để ban hành một cơ chế giá mới kéo dài thời gian và gây không ít khó khăn cho ngành điện, doanh nghiệp. Thế nên cần có cơ chế về giá mua điện tái tạo nhanh, gọn, thực tế và hiệu quả hơn.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận 

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, nói: “Như chúng tôi từng đề cập trong bảng kiến nghị của 36 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công thương tham khảo báo cáo của EVN để đưa ra khung giá mà bỏ qua phương pháp tính toán có nhiều điểm chưa phù hợp. Chẳng hạn, sử dụng tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm 10% chi phí dự phòng để tính khung giá điện, lấy giá trị trung bình năm bình quân của các nhà máy điện mặt trời tại khu vực có cường độ bức xạ cao nhất. Bên cạnh đó, sản lượng của các nhà máy điện gió cũng lấy bình quân sản lượng giao nhận mà không tính tới tình hình cắt giảm. Hay loại bỏ các dự án có kết quả tính toán giá phát điện cao hơn giá FIT trước đây khỏi dữ liệu tính toán… Vấn đề là khung giá phát điện không tương quan với giá bán lẻ điện bình quân đã và đang tăng lên”.

TS Trần Đình Bá, Hội khoa học kinh tế VN, nêu quan điểm giá mua điện tái tạo từ các dự án chuyển tiếp hay đầu tư mới khoảng 8 cent/kWh (khoảng 1.800 đồng) là tương đối tiệm cận với chi phí đầu tư và giá bình quân các nước. Giá này là mức giá bán lẻ thấp nhất trong 6 bậc giá bán điện sinh hoạt của EVN. Mức giá này khiến nhà đầu tư có lợi, EVN cũng có phần lợi nhuận, đặc biệt tránh thiếu hụt điện năng.

Bên cạnh đó, có thể khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia làm điện sạch. Đưa ra mức giá mua thấp là hình thức “ép” nhà đầu tư, trong khi chúng ta đang chủ trương khuyến khích phát triển điện sạch. Không những thế, trong tương lai, giá mua điện than không thể rẻ hơn nữa khi chúng ta tính các chi phí về môi trường, phát thải. Nguồn năng lượng tái tạo bất luận thế nào vẫn ưu tiên phát triển. Chi phí đầu tư giảm là lợi thế, nhưng giá mua điện không phải vì thế mà về 1.500 đồng/kWh được. “Qua trao đổi với các nhà đầu tư điện tái tạo, tôi cũng biết các doanh nghiệp có dự án chuyển tiếp đang bán tạm giá 50% giá trần trong khung giá là lỗ”, ông Bá nói.

Ông Bùi Văn Thịnh cũng nêu quan điểm việc chậm trễ có giá mua điện các dự án chuyển tiếp trong mấy năm qua đã khiến nhiều nhà đầu tư lao đao và thậm chí phá sản. Đề nghị nên dựa theo giá FIT2 nhưng thấp hơn cho các dự án chuyển tiếp lẫn đầu tư mới. Cụ thể, việc Bộ Công thương mới đây đưa ra cơ chế giá điện mặt trời theo miền. Miền Nam và miền Trung, Tây nguyên có thể thấp hơn giá điện mặt trời ở miền Bắc do độ bức xạ nhiệt thấp.

Như vậy, mức giá cho điện gió nên khoảng 7,09 cent/kWh (tương đương khoảng 1.630 đồng), điện gió ở mức 8,5 cent/kWh (tương đương khoảng 1.950 đồng) để làm cơ sở tính giá. Từ đó, ông Thịnh đề xuất nếu tính giá theo vùng miền, từ giá chuẩn đó, khu vực miền Nam có thể thấp hơn giá chuẩn 10%, miền Trung và Tây nguyên có độ bức xạ cao hơn, thấp hơn 20%.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Báo giá
close slider

    NHẬN BÁO GIÁ NGAY