Để phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng xanh và các ngành công nghiệp trọng điểm gắn với các trung tâm logistics, cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế.
Mới đây, tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và các địa phương, đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng xanh và các ngành công nghiệp trọng điểm gắn với các trung tâm logistics, cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế.
Theo đó, các địa phương trong vùng cần khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (nhất là điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng và điện mặt trời) phù hợp với Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà theo phương thức tự sản, tự tiêu. Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng, bảo đảm cung cấp điện tin cậy, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.
Đồng thời, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ nguồn điện và nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, chú trọng phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Thúc đẩy mạnh mẽ việc thăm dò, khai thác các mỏ khí trong vùng, góp phần tạo nguồn nhiên liệu khí tự nhiên phục vụ cho các nhà máy điện khí. Chú trọng thu hút đầu tư hình thành, phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng ở những khu vực có lợi thế nhằm tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất, chế tạo và các dịch vụ phụ trợ; kết hợp các loại hình năng lượng tái tạo để sản xuất hydro, ammoniac xanh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng carbon… để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có trong nước, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện năng từ năng lượng tái tạo…
Đối với định hướng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của vùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành chủ lực mà vùng có lợi thế. Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp công nghệ cao và sử dụng năng lượng sạch.
Hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên biệt tại những khu vực trọng điểm và có lợi thế ở các địa phương nhằm thu hút đầu tư chiều sâu, từng bước phát triển, nâng cao trình độ các ngành công nghiệp có tính nền tảng, hướng tới tạo ra một số thương hiệu sản phẩm riêng có, đặc trưng cho vùng và cả nước. Phân bố không gian phát triển công nghiệp vùng theo các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, các tuyến quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế ven biển gắn với hệ thống dịch vụ logistic tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, trung tâm kinh tế và cực tăng trưởng trong vùng.
Để thực hiện có hiệu quả các định hướng trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm, phối hợp với Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đó là: đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng các quy hoạch tỉnh, thành phố và quy hoạch phát triển vùng thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm cân đối vùng, miền; rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là Quy hoạch điện lực, Quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và Quy hoạch năng lượng quốc gia để kịp thời tích hợp, hoàn thiện quy hoạch tỉnh, thành phố và quy hoạch phát triển vùng, tạo cơ sở pháp lý cho triển khai các dự án công nghiệp, năng lượng trên địa bàn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm. Tổ chức không gian phát triển hợp lý và bố trí quỹ đất phù hợp, tạo điều kiện hình thành, phát triển các hệ sinh thái công nghiệp, năng lượng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của cả vùng cũng như của từng địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động tối đa nguồn nội lực, kết hợp hài hòa với ngoại lực, tạo đột phá, thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối quan trọng, quy mô lớn nhằm tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, các tiểu vùng và với các vùng kinh tế khác. Chủ động tạo quỹ đất sạch và đầu tư hạ tầng đồng bộ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu gắn với cảng biển và các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, trục giao thông Bắc – Nam để sẵn sàng thu hút, phát triển các dự án công nghiệp và năng lượng theo định hướng quy hoạch được duyệt.
Tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng; đồng thời, trên cơ sở các tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương trong vùng để xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, đủ mạnh và khả thi, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành chủ lực mà vùng và các địa phương có thế mạnh.
Chú trọng quy hoạch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, năng lượng chủ lực, có thế mạnh của vùng. Ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho một số trường đại học, cao đẳng nghề trọng điểm ở các địa phương trung tâm tiểu vùng để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ (nhất là các công nghệ cơ bản). Xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động để hình thành đội ngũ người lao động tinh thông về nghiệp vụ, có tay nghề, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Nguồn: nangluongsachvietnam