Cơ chế, chính sách nào để Phát triển năng lượng bền vững?

Sáng ngày 28/07/2023 tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, tầm nhìn năm 2050” với sự tham dự của đại diện các cơ quan trung ương, các bộ, ngành liên quan, địa phương có dự án đầu tư xây dựng và các chủ đầu tư.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi nhấn mạnh: “Rút kinh nghiệm từ Quy hoạch Điện VII, Chính phủ và các cơ quan Trung ương cần quyết liệt, đột phá tạo cơ chế, chính sách, điều chỉnh để bố trí các dự án Quy hoạch điện VIII được triển khai thực hiện có lộ trình cụ thể từ bước lựa chọn nhà thầu, công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt chi phí… nhằm triển khai có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng bền vững trong tương lai.”

Toàn cảnh hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, tầm nhìn năm 2050”
(Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách

Theo báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trước đây, Quy hoạch điện VII điều chỉnh còn rất nhiều dự án thuộc ngành điện, dầu khí, công nghiệp than khoáng sản của các tập đoàn, công ty tư nhân đến nay vẫn chưa hoàn thành. Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ ban hành nhưng các dự án này vẫn dậm chân tại chỗ, khó hoàn thành nếu không có cơ chế đột phá.

Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để thực hiện triển khai Quy hoạch điện VIII, Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện môi trường pháp lý, sớm ban hành Luật điện lực sửa đổi, Luật về năng lượng tái tạo và một số cơ chế đặc thù, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện Quy hoạch.

Từ góc nhìn doanh nghiệp trong ngành, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, đã nêu lên những tồn tại, thách thức, khó khăn đối với nhà đầu tư, đặc biệt về cơ chế chính sách, chi phí đầu tư và tài chính doanh nghiệp trong đầu tư dự án năng lượng tái tạo, dựa trên kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời mà Halcom làm chủ đầu tư.

Cần đẩy nhanh triển khai Quy hoạch điện VIII

Theo Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy, thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư, đồng thời, các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, giúp vượt qua các rào cản và đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án.

Ngoài ra, cơ chế về hoàn thiện công cụ tài chính đối với các loại phát thải trong ngành điện như tín chỉ các-bon, thuế các-bon… là cần thiết để khuyến khích nghiên cứu, áp dụng vào thực tế các loại công nghệ, nhiên liệu sạch, đồng thời tăng tính cạnh tranh công bằng giữa nguồn điện than với nguồn điện khí, vốn có giá nhiên liệu cao hơn, nhưng “sạch hơn”.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng là nội dung được các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm và bàn luận. Đây là nội dung quan trọng được đề cập trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, theo đó, doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm với sản phẩm được bán trên thị trường, mà còn phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý, tái chế theo tỷ lệ nhất định được pháp luật quy định. Vì thế, tích trữ năng lượng là vấn đề được các tổ chức quốc tế rất quan tâm, và rất nhiều doanh nghiệp đang tập trung nghiên cứu các giải pháp tích trữ năng lượng như pin Mặt trời để góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường.

Ông Dũng nêu ý kiến về cơ chế để phát triển các dự án tích trữ năng lượng trong phần thảo luận tại hội thảo

Sau khi kết thúc hội thảo, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ đúc rút, tổng kết những vấn đề, ý kiến, tham luận được nêu để kiến nghị lên các cơ quan Trung ương, Bộ ngành, các địa phương xem xét, từ đó, đẩy nhanh triển khai Quy hoạch Điện VIII, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng bền vững.

Bài viết liên quan

Trả lời

Báo giá
close slider

    NHẬN BÁO GIÁ NGAY